Chuẩn đoán bệnh qua Môi - Miệng (phần 1).

Ngày tạo: 14-06-2017

Thông qua quan sát sắc trạch, hình thái của môi miệng, ngửi khí vị trong miệng, hỏi bệnh nhân về tình hình khát nước hay khẩu vị khác thường để chẩn đoán bệnh tật, gọi là phương pháp chẩn đoán môi miệng. Phương pháp chẩn đoán môi miệng thấy sớm nhất trong “Nội kinh”, là một thành phần không thể thiếu trong công tác vọng chẩn của đông Đông Y. Các tác phẩm Đông Y chẩn đoán học xưa nay  đều trình bày vấn đề này và luôn được các y gia lâm sàng các thời đại rất  coi trọng. Do bởi môi miệng là bộ phận lộ rõ trên khuôn mặt, niêm mạc môi mỏng mà trong suốt, những thay đổi về sắc trạch, hình thái của nó lộ rõ rất dễ nhìn thấy, vọng chẩn rất thuận tiện, vì vậy có tác dụng cực kỳ quan trọng trong biện chứng chẩn bệnh lâm sàng.

 
Nguyên lý chẩn đoán 
 
1. Mối quan hệ mật thiết giữa môi miệng với trung tiêu tỳ vị: Môi miệng là thành quách của răng, là gốc của cơ bắp, là cung của Tỳ. Tỳ chủ về miệng, tỳ khai khiếu ở miệng, hoa của nó ở môi. Theo “Tố vấn . lục tiết tang tương luận” có nói rằng:  “Tỳ….hoa của nó ở tứ bạch môi”, hay như “Tố vấn . ngũ tạng sinh thành” cũng nói: “ Tỳ hợp với thịt, tươi vinh của nó ở môi”... “Linh khu . âm dương thanh trọc” nói rằng: “ thanh khí của vị, xuất ra ở miệng”. Theo “linh khu. Kinh mạch” nói về mạch “túc dương minh vị kinh đi quanh vành môi sát miệng, dưới giao với thừa tương”. Vì vậy, môi miệng có quan hệ mật thiết với trung tiêu tỳ vị, mà tỳ vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hóa khí huyết, có ảnh hưởng rất lớn đối với các bộ phận toàn thân. Do đó, môi miệng không chỉ phản ánh tình hình chức năng của tỳ vị, mà còn phản ánh tình trạng chức năng của toàn thân.
 
2. Quan hệ mật thiết của môi miệng với khí huyết: Môi miệng có xung mạch vòng quanh, xung mạch lại là bể của huyết, vừa là bể của 12 kinh. Môi miệng bình thường màu hồng nhuận trạch, là biểu thị khí huyết sung túc, dinh dưỡng đẩy đủ. Vì vậy, môi miệng là bộ phận quan trọng phản ánh tình hình thịnh vượng của khí huyết toàn thân.
 
3. Mối quan hệ môi miệng với các tạng phủ và kinh lạc khác: 
 
Môi miệng còn được gọi là “phi môn”, là cánh cửa của âm thanh; miệng có tác dụng khép mở, là cánh cửa ngoài của tim. Từ chức năng vận động khép mở của nó, âm thanh từ miệng mà ra, ăn uống thực phẩm từ miệng mà vào, tứ thông ngũ đạt; là nơi xung yếu của tạng phủ.  Cổ nhân có câu rằng: “bệnh tòng khẩu nhập, họa do khẩu xuất”.  Về kinh lạc mà nói, trong “ Linh khu . kinh mạch” nói về mạch Thủ dương minh đại tràng kinh “hoàn xuất hiệp khẩu, giao nhân trung”; mạch Túc quyết âm can kinh “vòng trong môi”; Đốc mạch vòng xung quanh môi miệng, vv… vì vậy, những biểu hiện sinh lý, bệnh lý của các kinh mạch và các tạng phủ này đều có thể từ môi mà phản ánh ra ngoài. “Linh khu . kinh mạch” nói: “ Túc dương minh vị kinh …hoàn xuất soát miệng vành môi, hạ giao thừa tương, Là nơi chủ yếu sinh các bệnh về máu”. Y học hiện đại cũng cho rằng, mao mạch ở môi vô cùng phong phú, có thể phản ánh rất nhạy cảm bệnh tật của nội tạng.
 
Phương pháp quan sát chẩn đoán.
 
Dưới ánh sáng tự nhiên, để bệnh nhân ngồi quay ra phía ánh sáng, hơi há miệng, người khám bệnh ngồi đối diện với bệnh nhân, quan sát tỷ mỷ về màu sắc, (trắng, vàng, đỏ, xanh, đen, vv), độ khô ướt, tươi khô, đường vân,và sự động tĩnh của môi miệng. Chú ý đến các biểu hiện về hình thái  như: sưng đỏ, mụn nước nhỏ, ghẻ lở, lật ra ngoài, co rúm, vv. Ngửi hơi trong miệng xem có mùi vị đặc biệt khác thường hay không, hỏi về tình hình khô khát, khẩu vị (thích ăn các đồ ngọt, chua, cay, vv). Quan sát hệ dải môi đầy đủ, dùng ngón tay lật nhẹ môi trên, môi dưới để kiểm tra ở phần dải môi và nơi tiếp giáp răng với lợi xem có bị kết đốt, xoắn thừng hay không, nếu có thì xem vị trí, sắc trạch của nó và ghi lại cẩn thận ty mỷ.
 
Môi miệng của người bình thường đầy đặn, tươi hồng nhuận, cân đối ngay ngắn, trong miệng không có mùi vị đặc biệt và khẩu vị bình thường, bề mặt sáng bóng, không bị kết đốt, xoắn và không có các vật tăng sinh khác.
 
Vận dụng lâm sàng:
 
 I - Màu Môi: 
 
1) Màu môi hồng nhuận: 
Người có màu môi hồng nhuận biểu thị sức khỏe tốt, khí của tỳ vị sung túc, huyết mạch đều, không có nội nhiệt. Trẻ em  môi hồng dầy, là tỳ vị khỏe, dễ nuôi. Phụ nữ môi đỏ dầy là Xung mạch thịnh, dễ đẻ. Môi miệng bệnh nhân sáng nhuận có màu máu là tốt, là bệnh nhẹ dễ chữa. nhưng nếu bệnh lâu ngày mà môi đỏ là bệnh khó trị.
 
2) Màu môi hồng nhạt:  
là màu bất cập, chủ về chứng hư, hàn. Màu môi nhạt, khí ẩn hiện màu đỏ, nếu khô tối mà không có sắc máu là triệu chứng ác tính, thường là hiện tượng khí huyết hư tổn hao kiệt. Màu môi đỏ nhạt thường thấy trong trường hợp các bệnh nhân bị tỳ vị hư nhược hoặc khí huyết hao tổn nặng. Phụ nữ có thai nếu thấy hiện tượng này là bị thiếu máu hoặc khó đẻ.
 
3) Màu môi đỏ thâm: 
Màu môi đỏ thâm là thái quá, chủ về nhiệt, thực chứng; màu đỏ thẫm đen, đỏ tím cũng chủ về nhiệt. Môi trên đỏ mà môi dưới trắng là tâm thận bất giao; môi đỏ mà bị nôn mửa là vị nhiệt; môi đỏ thẫm mà hen suyễn là phế nhiệt; Môi đỏ tươi, quai hàm đỏ mà nóng mắt như say, ngậm nước mắt, ho và hắt hơi, ngón tay hơi lạnh là sắp phát mẩn đậu. Màu môi đỏ tươi là âm hư hỏa vượng; môi đỏ như bôi mỡ là bị giun, đa số do tạng phủ bị thấp nhiệt lâu ngày, uẩn uất không giải được, sinh ra giun đũa. Môi đỏ thẫm nặng mà khô táo, lại còn bị rạn nứt, chủ về tà nhiệt nhập sâu vào doanh huyết. Người bị bệnh lâu hoặc bị kiết lỵ nặng mà thấy  hiện tượng môi đỏ như tô son, là dương huyết ngoại việt, dự báo, diễn biến phát triển bệnh theo chiều hướng xấu. Môi đỏ như quả Anh Đào là triệu chứng bị ngộ độc khí than; môi có màu đỏ khô cháy, đỏ khô lấn sâu vào phía trong môi, là triệu chứng huyết táo sinh nhiệt. Môi trong (là phần cơ răng dính liền với răng, lật nhẹ môi ra mới nhìn thấy), nếu xuất hiện màu đỏ thâm tím, là hiện tượng hỏa cướp âm dịch, hoặc thực chứng về dạ  dầy; môi ngoài đỏ thâm, môi trong lại trắng nhợt không tươi, đa số là biểu hiện tỳ hàn vị lạnh; môi dưới đỏ thẫm môi trên lại trắng nhạt, là biểu thị vị lạnh tỳ táo; môi dưới đỏ thẫm như nhuộm máu là tỳ kinh uất nhiệt không giải; môi trên đỏ tím sưng đau là hỏa tà thượng tiêu, tim phổi không được tuyên phát; môi dưới sưng đỏ màu lam tím là tỳ kinh uẩn nhiệt; môi dưới đỏ thâm mà ám tối không tươi, là tỳ hư, vận hóa không tốt; màu môi đỏ đen ám tối là huyết ứ trở trệ gây ra dương tâm bế phế uất không được tuyên hóa, còn kèm theo hiện tượng đờm đục tắc trở khí cơ.
 
4) Màu môi vàng: 
Là biểu hiện tỳ hư thấp khốn, thường thấy kèm theo môi có dạng khô héo. Nếu môi có màu vàng mà chảy nước dãi, là tỳ dương cực hư, triệu chứng âm hàn nội thịnh. Nếu môi vàng xuất hiện tại vị trí thịt môi lõm xuống (tức chỗ mọc râu), là do trong ăn uống gây tổn thương tỳ vị, kèm theo hiện tượng thấp nhiệt uất ở gan mật; hai góc môi  có màu vàng tối là do thấp hàn gây tổn thương tỳ; phần thịt trắng ở góc môi chuyển sang màu vàng da cam mà sáng nhuận, là tỳ thấp hóa nhiệt. môi màu sáng nhạt, sắc tối mà không tươi, chất môi khô héo, là triệu chứng trung thổ đại hư, cần phải hết sức chú ý.
 
5) Màu môi trắng nhạt: 
là biểu hiện có chứng hư, chủ về thoát huyết đoạt khí. Trong lâm sàng, tất cả các chứng mất máu (xuất huyết nhiều, xuất huyết mạn tính, vv) và cả những hiện tượng dùng sức quá độ, bệnh nặng hao tổn, khí hư không hồi phục, vv. Đều có thể xuất hiện màu môi trắng. Phụ nữ bị bệnh bạch đới lâu không khỏi, môi cũng trắng nhợt. Nếu người bình thường bỗng nhiên bị cảm phong hàn, dương khí nhất thời bị bế tắc, màu môi cũng bỗng nhiên trắng, đổ mồ hôi. Màu môi trắng nhạt có vẻ ám tối không sáng, đa số do khí huyết hư hàn không thể sung dưỡng cho môi. Màu môi trắng nhợt, phần lớn là do khí hư không thể vận huyết, hoặc do bạo nộ khí nghịch trở huyết. Nếu bị xơ gan cổ trướng giai đoạn cuối, màu môi trắng nhợt không tươi, chất môi khô héo, là chính khí của can tạng và tỳ tạng sắp tuyệt, nguy trong sớm tối. Nếu màu môi trắng nhạt, nhợt nhạt, không có một chút sắc máu, là khí huyết đã hư cực độ, hoặc dương hư sinh hàn; Môi nhợt nhạt mà bị nôn mửa là vị hư; Môi trắng mà ăn ít, hao suyễn là tỳ phế khí hư; phụ nữ có thai môi trắng là thiếu máu hoặc khó đẻ; Môi trắng mà mạch đập nhanh mà sác, đa số là tâm huyết hao hụt; Môi trắng mà chi lạnh, sáng ăn chiều nôn, phần lớn là thổ hàn(nôn hàn); màu môi có thể trắng hoặc đỏ mà dạ dầy lúc đau lúc không, nhiều lần nôn nước trong, phần lớn là nôn giun; Tỳ cam môi không có màu máu, đi lỵ liên tục, là chứng khó trị; Môi trắng như xương khô là sắp chết; Môi trắng mà sưng là tỳ tuyệt; sản phụ góc miệng trắng khô là bệnh sắp đến.
 
6) Màu môi xanh đen: 
Màu môi xanh nhạt là hàn chứng, trắng nhạt mà đen là hàn nặng, xanh mà thâm là chủ về đau, môi miệng đều xanh đen là cực lạnh. Người môi đen đa số là dạ dầy bị nhiệt; mầu môi xanh đen chủ về hàn nặng cực lạnh, thường thấy ở chứng đau nặng, cũng có trường hợp bị nhiệt uất mà thấy màu môi xanh, trong xanh thấy có thâm tím; Môi đen thảm hại là khí huyết đại hao; cấm khẩu mà môi xanh, lưỡi co rút là tiểu tràng hư hàn; Người bị cấm khẩu môi đen, tứ chi bất động, tiểu tiện vô độ, là tỳ hư hàn thậm, không thể trị khỏi; Môi xanh lưỡi co cuộn, đau quặn thắt trong bụng, móng tay móng chân đều đau là gân hư cực độ; Môi miệng xanh đen, nôn mửa bụng đau, thất khiếu tóe máu, là bị ngộ độc Thạch Tín; người bị trúng phong môi xanh đen pha lẫn, phèo bọt mà thân thẳng đừ, triệu chứng khó sống; phụ nữ có thai môi miệng đều xanh, thổ ra nước miếng trong liên tục là hiện tượng mộc khắc thổ, mẫu tử đều nguy; Đột nhiên tứ chi mất cảm giác, thân lạnh, môi miệng chuyển màu xanh, là triệu chứng tử vong do tà khí nhập tạng; nếu môi thâm nóng, đổ mồ hôi là tà khí nhập phủ, có thể trị được; Môi màu xanh, tứ chi dao động, hơi bị đổ mồ hôi là Can khí tuyệt; bệnh nhân bị dịch tả mà môi xanh đen là triệu chứng chết; người bị ung thư môi mũi đều xanh đen, sắc thoát phù thũng là triệu chứng ác tính; người bị thủy khí, môi miệng chuyển màu đen là triệu chứng tổn thương gan, khó trị; môi màu đen như sơn, là tỳ sắp tuyệt; vành miệng đen cháy là tỳ thận tuyệt; Môi xanh mà cơ thể lạnh, đái dầm đái dắt, là bàng quang tuyệt; mặt xanh môi đen hoặc mặt đen môi xanh, đều là triệu chứng báo tử. 
 
7) Môi màu tím: 
Môi có màu tím biểu thị vị khí hư hàn, môi tím cũng thấy trong trường hợp bị ứ huyết; Môi màu tím mà khô cháy là có ứ nhiệt bên trong; trên niêm mạc môi dưới xuất hiện vết ban tím đỏ, bất luận là to hay nhỏ, số lượng nhiều hay ít, cần phải cảnh giác về khả năng có bệnh ung thư đường tiêu hóa; Môi tím tối hoặc tím nhạt, hoặc thấy kèm theo móng tay màu tím và trên bạch tinh có màu tím tối, là ứ huyết nội đình, thường thấy trong trường hợp ngoại thương hoặc bị nội thương; Môi đột nhiên chuyển màu tím như gan lợn là hiện tượng ứ huyết công tâm.
 
8) Màu môi xanh lam: 
Trường hợp này trong lâm sàng rất ít gặp, có thể do đột nhiên cảm nhiễm thời dịch, ngoài môi có biểu hiện màu lam nhạt, da môi khô nứt, là hiện tượng hỏa độc cực thịnh; trường hợp bị chứng bế thử, trên môi cũng có thể thấy màu xanh lam; người có bệnh mạn tính mà môi xuất hiện màu lam, là chân khí sắp bại; niêm mạc môi có màu lam tím là biểu hiện tâm phế hư suy.
 
9) Màu môi ngũ sắc lẫn tạp: Theo “ Linh khu . Vệ khí thất thường” có  nói: “ người có màu môi xanh, vàng, đỏ, trắng, đen- bệnh ở cơ nhục”. Trường hợp này tuy ít thấy, nhưng theo y học hiện đại, mỗi bộ phận nội phân tiết nào đó bị bệnh, thường thấy có sắc tố lắng đọng, vì vậy mới thấy ngũ sắc tạp loạn. Cổ nhân xưa sớm đã có ghi lại, nay xin cung cấp để độc giả tham khảo. trong “ Vọng chẩn tôn kinh – điều mục chẩn khí sắc môi” cho rằng: Người bị rối loạn thần kinh, đột nhiên cười rũ rượi rồi lại buồn, bồn chồn mạo muội, nhiệt mà còn cuồng, là tâm đã tổn thương. Nếu môi có màu đỏ thẫm thì còn có thể chữa được, nếu môi có màu xanh, vàng, trắng, đen, thì không thể chữa được.
 
10) Môi tứ bạch: 
Là biểu hiện 4 bên xung quanh môi có màu trắng, nếu trắng lờ mờ có thể thấy được lại là bình thường. nếu thấy màu trắng thay đổi có giá trị tương đối lớn trong việc chẩn đoán bệnh ở hệ thống tỳ vị. Nhìn chung mà nói, môi tứ bạch ngũ sắc thì màu vàng và đỏ là nhiệt, trắng là hàn, xanh đen là đau. Trong “hình sắc ngoại chẩn giản mô” của Chu Học Hải có trình bày: “Môi nhạt mà 4 xung quanh trắng là vong huyết, xanh đen là hàn”.
 
II – Thần môi:  
 
Phương pháp chẩn bệnh bằng thần môi là thông qua quan sát tình trạng tốt xấu của chất môi để phán đoán khả năng sinh tử của bệnh tật. Giải thích về thần môi, Uông Hồng thời nhà Thanh Trung Quốc đã nói trong “ Vọng chẩn tôn kinh” rằng: “ Môi có thần, sáng nhuận tinh sáng mà có sắc máu, được nó thì sống, mất nó thì chết”. Chất môi tươi nhuận, hồng hoạt, có sinh khí, quang trạch, gọi là có thần. Người mà chất môi khô héo, không có sinh khí, mất quang trạch, tức là môi vô thần, là triệu chứng chết.
 
III – Độ nhuận táo của Môi.  
 
1. Môi miệng khô cháy, rạn nứt, hoặc rạn nứt chảy máu, gọi là nứt môi. Chủ về tân dịch đã tổn thương; Môi mất đi nguồn tư nhuận, thường là những người bị ngoại cảm tà táo nhiệt, hoặc kỳ kinh có nhiệt; Môi miệng khô khan là nhiệt trong rất thịnh; Môi miệng khô cháy đen, rạn nứt, phiền khát uống nước, là nhiệt độc cực thịnh.
 
2. Môi trên khô cháy, cảm thấy tiêu khát muốn uống nước, biểu thị bệnh vị ở phần trên, chủ về phế nhiệt; Môi trên khô nhưng không tiêu nước, là tà nhiệt ở phần dưới, chủ về đại tràng có phân táo; Môi dưới khô mà tiêu khát muốn uống nước, Biểu thị nhiệt tại Dương Minh; Môi dưới khô mà không tiêu nước, là nhiệt ở Thái Âm.
 
3. Môi miệng khô táo mà có màu đỏ là bệnh còn nhẹ, dự báo diễn biến phát triển theo chiều hướng tốt; môi khô táo mà có màu đen là bệnh nặng, dự báo diễn biến bệnh thế xấu; nếu người bình thường mà sắc mặt ám tối, da môi khô là triệu chứng yểu mạng.
 
4. Nếu lượng điều tiết tân dịch(nước bọt) trong khoang miệng nhiều, chảy ròng ròng không dứt, nhổ nước bọt liên tục, gọi là đa thóa, trong “ Thương hàn luận” gọi là miệng thổ dãi. Đa số do dương khí tỳ thận hao hụt, nước không tiêu, chảy ngược lên mà thành; Người bị rỏ dãi góc miệng thường là người sau khi bị trúng phong méo miệng, không thể thu nhiếp tân dịch, hoặc do tỳ hư thấp thịnh, ở trẻ em gọi chứng này là “trệ di”.
 
IV – Hình thái Môi - Miệng: 
 
1. Môi thũng: 
Hình thái môi thũng được phân thành 2 loại hư và thực. Nếu môi hồng hoặc đỏ thẫm mà thũng thì phần lớn là thực nhiệt; nếu môi trắng mà thũng đa số là hư hàn; nếu môi miệng đều đỏ thẫm mà thũng là cơ nhục nhiệt  thậm; môi trên thũng to mà môi dưới nhỏ là bị trướng bụng; nếu môi và lưỡi đều thũng, đại tiện lỏng, đỏ thẫm, tiểu tiện ra máu, chân phù thũng là nhục tuyệt; môi thũng mà răng khô cháy là tỳ thận tuyệt.
 
2. Môi héo co tóp: 
Tức là hình thái môi bị khô tóp, phần lớn thấy ở người bị hao tổn khí huyết; nếu môi khô tóp mà có màu vàng, là tỳ hư thấp khốn; môi tóp kèm theo thấy lưỡi màu xanh, miệng táo, nhưng chỉ muốn ngậm nước mà không muốn uống, là bên trong có ứ huyết.
 
3. Môi phản: 
Tức là hình thái môi lật ngược lên trên che lấp cả nhân trung. Môi lật mà Nhân trung đầy, là triệu chứng tỳ bại, là tỳ khí tuyệt, mạch không dưỡng được môi mà nên. “Vọng chẩn tôn kinh” của Uông Hồng có nói: “người môi phản là đoạn kết của thái âm”,  “người môi phản mà không có vân là tỳ bại, người môi phản mà nhân trung đầy lên, 3 ngày thì chết”.
 
4. Môi trên sinh sang (mụn nhọt): 
Phần lớn là do tỳ vị uẩn nhiệt; môi trên sinh sang mà chất môi dầy màu tím, phần lớn là âm phế uất nhiệt; Môi dưới sinh mụn nhọt, chất môi thô ráp màu đen, là tỳ kinh uẩn nhiệt, nhọt sinh ở 4 góc môi, đa số là do ăn nhiều chất cao lương mỹ vị, tà hỏa ẩn tích trong dạ dầy, đại tràng và tiểu tràng. Trên môi sinh sang còn có thể chẩn đoán là do chứng giun hoặc thương hàn, hoặc ký sinh ăn bám thức ăn dinh dưỡng; nếu trong môi dưới có mụn như hạt kê, gọi là hồ, là có ký sinh ăn bám ở hậu môn.
 
5. Trên môi sinh đinh: 
Tức là ở cả hai môi hoặc góc miệng sinh ra những đầu đinh như hạt kê, đau mà ngứa không yên, đa số là do có hỏa độc; sinh đinh ở môi trên môi dưới là tỳ vị hỏa độc; sinh đinh ở góc miệng là tâm tỳ hỏa độc cực thịnh. Sinh đinh ở góc môi làm cho không thể mở miệng được gọi là đinh khóa khẩu, loại đinh này nếu sinh ở môi trên mà môi lật ra ngoài, gọi là đinh lật môi. Hai loại đinh này khi mới sơ khởi có hình bằng hạt kê, màu tím, cứng, dần dần sưng nặng, tê ngứa và đau, nhiệt hàn giao tác, đều thuộc chứng nguy hiểm, là do tà hỏa độc thượng công gây ra. Sinh đinh ở trên nhân trung gọi là “đinh Long tu” (đinh râu rồng); sinh đinh ở bên cạnh nhân trung gọi là “đinh hổ tu” (đinh râu hổ), người bị nhẹ thì chỉ bằng hạt kê, do phong nhiệt mà kết thành, người bị nặng thì to bằng hạt kê hạt gạo, nếu đinh chạm tới xương, vùng gốc sưng chậm, mặt và mắt phù thũng, hàn nhiệt đều thấy, là do tà hỏa độc vây lên mà thành. Nếu xuất hiện triệu chứng cấm khẩu hôn mê, thì gọi là “tẩu hoàng đinh”, là đinh sang tẩu hùng, do tà độc nội hãm tâm bào gây nên.
(Còn nữa) 
                                                                                                                        VIỆN VBI & RIAFR
                                                                                                                                Viện trưởng
                                                                                                                    CGCX Nguyễn Ngọc Sơn
 
 
CẢM TƯỞNG CỦA HỌC VIÊN
THÀNH TÍCH
TRẤN TRẠCH - MỘ TRẠCH - NÂNG SINH KHÍ
NHÂN TƯỚNG HỌC
BẠN CẦN BIẾT
CLB NĂNG LƯỢNG CẢM XẠ
  • Tổng bài viết đọc hôm nay: 1239
  • Tổng bài viết đọc hôm qua: 3307
  • Tổng bài viết đọc tháng này: 67003
  • Tổng bài viết đọc tháng trước: 0
  • Tổng bài viết đọc năm nay: 67003
  • Tổng bài viết đọc năm trước: 1757484
  • Tổng số khách truy cập hôm nay: 1239
  • Tổng số khách truy cập hôm qua: 3307
  • Tổng số khách truy cập năm nay: 67003
  • Tổng số khách truy cập năm trước: 1757484
  • Số người trực tuyến: 57
New